Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Các loại cốp pha đang được sử dụng trong thi công xây dựng cơ bản

   Trong lĩnh vực thi công xây dựng cơ bản, đặc biệt là với kết cấu chính đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam là kết cấu Bê tông – cốt thép thì một trong những công việc chính, luôn nằm trên đường Găng tiến độ CPM (Critical Path Method)là công tác ghép cốp pha và đổ bê tông. Tiến độ, chất lượng, mỹ quan và giá thành công trình phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố này. Với sự thay đổi của công nghệ và vật liệu ghép cốp pha hiện nay đã và đang tạo ra những bước tiến lớn trong lĩnh vực xây dựng. Chúng ta đã từng biết đến ghép cốp pha truyền thống bằng các thanh gỗ, vật liệu tận dụng và phên cót để làm cốp pha, tiến bộ hơn là dùng các thanh gỗ tự nhiên ghép lại với nhau để tạo thành mặt phẳng lớn rồi đến cốp pha định hình (chế tạo sẵn theo kích thước tiêu chuẩn) ra đời. Đây thực sự là một bước đột phá trong lĩnh vực xây dựng. Với coppha định hình thì việc thi công cốp pha dường như rút ngắn được thời gian hơn do thi công, lắp ghép đơn giản, đảm bảo chất lượng bê tông tốt và mỹ quan bề mặt. Mặc dù tính ưu việt của cốp pha định hình hiện nay, nhưng chọn lựa được sản phẩm phù hợp và để tạo ra được những thế mạnh lại là một vấn đề không đơn giản đối với các Doanh nghiệp xây dựng. Trên cơ sở những phân tích đánh giá hiện nay về tính năng và tác dụng của từng loại cốp pha định hình làm tài liệu tham khảo cho các Đơn vị:
   Nhìn chung dòng cốp pha định hình hiện nay được chia thành 03 nhóm chính: Cốp pha thép, cốp pha composite và cốp pha gỗ công nghiệp; ngoài ra còn một dòng sản phẩm truyền thống là cốp pha gỗ tự nhiên. Tôi sẽ đi sâu vào phân tích cụ thể đặc tính của từng loại cốp pha này: 
Coppha thép định hình:
+ Được chế tạo gia công cơ khí từ những khung thép định hình (thép hộp, thép u …) và căng bề mặt bằng tấm thép mỏng. Do đó điều đầu tiên cần quan tâm là vật liệu chế tạo và giá thành chế tạo ra sản phẩm này. Theo thống kê giá thành chế tạo 1m2 cốp pha loại này từ 1,5 – 2,0 triệu/ m2 tùy chiều dày lớp tôn căng mặt và mật độ lớp xương chịu lực.
+ Phương pháp thi công: do bị giới hạn về trọng lượng nặng nề nên cốp pha thép thường được chế tạo các với diện tích nhỏ (kích thước 1500 x 300 hoặc 2000 x 400 …) nên quá trình thi công sẽ cần nhiều nhân công để ghép những tấm nhỏ thành một diện tích lớn và đòi hỏi hệ thống giàn giáo dày chắc chắn để đảm bảo khả năng chịu tải. Với những tấm có kích thước lớn đòi hỏi phải có cẩu phục vụ thì cần tính thêm chi phí ca cẩu vào đơn giá.
+ Vận chuyển và bảo quản: Do khối lượng nặng nề nên việc vận chuyển, bốc dỡ loại cốp pha này thường nặng nhọc và tốn kém hơn; hơn nữa do chế tạo bằng sắt có khả năng dính bám bê tông, vữa xây dựng rất cao nên khi lắp đặt cần phải xử lý bề mặt đồng thời những biến dạng (móp, vênh, cong …) do quá trình tháo dỡ, vận chuyển cần phải gia công xử lý lại cũng thật tốn kém.
+ Mỹ quan khối đổ: Do những hạn chế về độ phẳng của bề mặt từng tấm và khi tổ hợp nhiều tấm nhỏ, khả năng bám dính bề mặt nên nhìn chung mỹ quan khối đổ không được đảm bảo và cần thêm nhân công sửa chữa (mài, đục, chát bù …). Mặt khác còn phát sinh thêm vật tư và nhân công trát trần … để tạo mặt phẳng trước khi matiz hoặc sơn.
+ Lắp đặt & tháo dỡ: Việc lắp đặt, tháo dỡ trở lên khó khăn hơn vì bề mặt bám dính sắt và bê tông; với hệ thống chốt khóa, nối cũng phức tạp. Với một diện tích sàn lớn thì việc sử dụng cốp pha sắt dường như bất khả thi và không hiệu quả.
Coppha gỗ tự nhiên:
+ Là việc ghép những thanh gỗ tự nhiên được xẻ theo chiều dày phù hợp để tạo thành mặt phẳng phục vụ việc đổ bê tông vào khối. Theo đó đòi hỏi những thanh gỗ ghép ở đây phải có kích thước đủ lớn và chất lượng gỗ phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (cây gỗ to và gỗ phải đủ tuổi khai thác). Điều này gặp khó khăn trong điều kiện hiện nay việc khai thác gỗ tự nhiên đang gặp nhiều hạn chế; mặt khác những loại gỗ thỏa mãn 2 tiêu chí trên thường đắt. Theo thống kê giá thành chế tạo 1m2 cốp pha loại này từ 100.000 – 200.000 đồng/ m2 tùy chiều dày.
+ Phương pháp thi công: do được ghép từ nhiều thanh gỗ nên quá trình thi công sẽ cần nhiều nhân công để ghép những tấm nhỏ thành một diện tích lớn cùng với việc phải xử lý cong vênh, tách của các thanh gỗ nguyên liệu để tạo thành mặt phẳng và khít kín sẽ mất rất nhiều công sức. Đồng thời với bề mặt đó phải mất thêm chi phí lớp phủ tạo bề mặt ván khuôn.
+ Vận chuyển và bảo quản: Do điều kiện thời tiết nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao và biến thiên nhiệt độ trong ngày lớn nên cốp pha loại này dễ bị cong vênh, tách … sẽ không đảm bảo được điều kiện bề mặt và sử dụng luân chuyển nhiều lần.
+ Mỹ quan khối đổ: Do những hạn chế về độ phẳng của bề mặt từng tấm và khi tổ hợp nhiều tấm nhỏ, cộng thêm với việc kích thước, hình dạng không đồng đều nên nhìn chung mỹ quan khối đổ không được đảm bảo.
+ Lắp đặt & tháo dỡ: Việc lắp đặt, tháo dỡ trở lên khó khăn hơn vì bề mặt khó tạo độ phẳng, đặc biệt là với diện tích sàn thi công lớn. Mặt khác do việc sử dụng biện pháp đóng đinh, neo buộc bằng giây thép … nên khi lắp dựng và tháo dỡ mất rất nhiều công sức và gặp nhiều khó khăn. Việc thi công cốp pha loại này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và khó khăn hơn so với các loại cốp pha khác.
Coppha gỗ công nghiệp:
+ Là việc sản xuất từ nguyên liệu gỗ tự nhiên qua quá trình chế biến tạo nên những tấm có kích thước định hình và tính chất cơ lý, bề mặt được đảm bảo. Theo đó với loại nhà sản xuất có thể tạo ra những tấm gỗ kích thước lớn (2400x1200) và các tính chất cơ lý, hóa học đồng đều hơn; bề mặt phẳng hơn và được phủ lớp chống dính (lớp film cứng và bóng) tốt hơn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nguồn cung gỗ tự nhiên có chất lượng đang hạn chế trong khi đó đầu vào các sản phẩm này không yêu cầu nhiều về độ lớn cũng như tuổi thọ cây gỗ. Theo thống kê giá thành chế tạo 1m2 cốp pha loại này từ 125.000 – 175.000 đồng/ m2 tùy chiều dày.
+ Phương pháp thi công: do chế tạo được với kích thước lớn, độ đồng đều cao và đặc biệt tạo ra được bề mặt cũng như các cạnh phẳng nên việc thi công lắp ghép cực kỳ dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời với bề mặt đã được phủ lớp film cứng và bóng đảm bảo được bề mặt và khả năng chống dính bám tốt. Ngoài ra việc sử dụng được nhiều hình thức liên kết: đóng đinh, khoan bắt vít, cưa tay … nên việc tổ hợp các tấm cốp pha này sẽ đơn giản và thao tác dễ dàng hơn.
+ Vận chuyển và bảo quản: Các lớp gỗ trong một tấm được liên kết bằng lớp keo có khả năng dính bám tốt, không bị biến dạng trong nước nên với điều kiện độ ẩm cao, chịu nước việc bảo quản loại cốp pha này không quá khó khăn và tốn kém như các loại cốp pha khác;
+ Mỹ quan khối đổ: Bề mặt phẳng, lớp phủ chống dính tốt và kích thước lớn, đồng đều là những điểm nổi bật nhất ở loại cốp pha này. Do đó khi sử dụng cốp pha gỗ ép công nghiệp trong thi công xây dựng cho phép tạo ra bề mặt phẳng, đảm bảo mỹ quan.
+ Lắp đặt & tháo dỡ: Việc lắp đặt, tháo dỡ trở lên dễ dàng hơn vì bề mặt có độ phẳng tốt, đặc biệt là diện tích mỗi tấm lớn, độ đồng đều cao do đó khi thi công diện tích sàn lớn đã tạo nên những ưu thế vượt trội. Ngoài việc thi công nhanh, việc tổ hợp xà gồ, giàn giáo đơn giản hơn đồng thời việc lắp đặt và tháo dỡ cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
* Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp:
+ Đây là loại cốp pha sản xuất công nghiệp với độ chuẩn kích thước rất cao, đa dạng về kích thước, hình dạng đang được sử dụng phổ biến ở các nước phương Tây. Nhìn chung loại cốp pha này có đặc điểm giống với cốp pha gỗ công nghiệp nhưng ưu điểm vượt trội hơn do việc trọng lượng nhẹ hơn và khả năng luân chuyển tái sử dụng lâu hơn. Tuy nhiên do đặc điểm sản xuất đòi hỏi đầu tư dây chuyền công nghệ tốn kém, chi phí nguyên liệu đầu vào lớn nên trong nước chưa có nhà máy sản xuất; việc nhập khẩu các mặt hàng này thì chi phí giá thành rất cao nên chưa được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
   Trên đây là những thống kê, so sánh mang tính chất tương đối về những ưu nhược điểm của từng loại cốp pha trong lĩnh vực xây dựng. Việc lựa chọn những sản phẩm này phù hợp với đặc thù với tình hình thực tế của mỗi công ty sẽ là bài toán đem lại hiệu quả và khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét